30/09 2024

ĐI TÌM GIẢI PHÁP TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐẤT YẾU TẠI VIỆT NAM

 Trong xây dựng công trình giao thông nói chung, việc xây mới đường cao tốc, đường dẫn đầu cầu, nâng cấp cải tạo các tuyến đường cũ... yêu cầu đảm bảo độ bền và sự ổn định lâu dài của nền đường, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả khai thác của tuyến đường. Với đặc điểm nước ta, các đô thị và trung tâm kinh tế lớn nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Đây là các khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho giao thương nhưng xét về khía cạnh xây dựng thì bất lợi vì các lớp nền là trầm tích sông biển có cấu tạo phức tạp, trong đó, có những lớp đất yếu phân bố trên diện rộng và bề dày lớp có thể lên tới 40 - 50m. Vì vậy, chi phí xây dựng công trình có thể tăng thêm 10 - 20%.

Đối với nền đất yếu, nhiều phương pháp gia cố nền đã được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng như: Giải pháp sử dụng bấc thấm kết hợp gia tải trước hoặc hút chân không, sử dụng bệ phản áp, cọc cát, cọc xi măng đất, cọc gia cường, vải địa kỹ thuật...Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp truyền thống  này xử lý nền đất yếu trong một số trường hợp vẫn chưa đạt yêu cầu, dẫn đến sự cố công trình như hiện tượng trượt nền đắp đường dẫn lên cầu Hoàng Long - Thanh Hoá, lún tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh - TP Hồ Chí Minh... Hình 1 là một ví dụ về hư hỏng nền đường phần tiếp giáp giữa cầu và đường dẫn đầu cầu do nguyên nhân lún lệch.

Picture1ePicture1e1Picture1e2

 Hư hỏng nền đắp đường dẫn lên cầu do lún lệch 

  Vì vậy, việc lựa chọn giải pháp thi công thích hợp cho mỗi công trình, bảo đảm các yếu tố liên quan đến đất nền như đối tượng xử lý, vật liệu và trang thiết bị thi công, phương tiện xử lý, giá thành, ảnh hưởng đối với khu vực lân cận, môi trường... là một yêu cầu cấp bách và có tính thực tiễn cao trong giai đoạn hiện nay. 

Trích: Tạp chí cầu đường số 4 năm 2020